Thanh Niên Phường 2 Quận 8
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thanh Niên Phường 2 Quận 8

Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh
 
Trang ChínhPortalLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, nhạc và lời : Triều Dâng

Go down 
Tác giảThông điệp
Bientapvien
Ban Biên Tập
Ban Biên Tập
Bientapvien


Tổng số bài gửi : 115
Triệu Đồng : 335
Cảm Ơn Nào : 5
Join date : 30/09/2010

Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, nhạc và lời : Triều Dâng Empty
Bài gửiTiêu đề: Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, nhạc và lời : Triều Dâng   Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, nhạc và lời : Triều Dâng I_icon_minitimeWed Jun 08, 2011 8:18 pm



Âm giọng không còn rành rọt nhưng vẫn còn đó bầu máu nóng hừng hực lửa của một thời tuổi trẻ trong tiết tấu nhanh, gấp như lời giục giã, kêu gọi thiết tha của Tổ quốc năm nào: “...Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh/ Vì ngày mai ta xây đắp những công trình vĩ đại/ Đồng lúa trĩu bông quê ta nhà máy khói ngút trời/ Cả Tổ quốc trong tương lai ánh điện tỏa sáng/ Là công sức ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong...”. Bài hát sau này trở thành nhạc hiệu rất quen thuộc của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.


Dù ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau, chuyển tải những niềm vui và ước vọng trong từng giai đoạn trưởng thành riêng biệt, song những ca khúc về Đoàn thanh niên cộng sản qua các thời kỳ đều cho thấy từng thế hệ thanh niên Việt Nam say mê sống và cống hiến, luôn ấp ủ sự lạc quan cùng niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính mình và một tương lai tươi sáng của dân tộc.

8 năm đợi một cụm từ

“Đã từ lâu, tôi muốn viết về vai trò rất quan trọng của thanh niên trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc - nhạc sĩ Triều Dâng nói - Khi Đảng phát động chủ trương quần chúng góp ý đảng viên (tháng 12-1969) được một ngày thì sáng hôm sau, nhiều người bạn của tôi đi vào chiến trường B (miền Nam) ngay. Gương mặt họ ai cũng náo nức, tươi cười rạng rỡ như đi dự một ngày hội lớn chứ không phải đang dấn thân vào một cuộc chiến tranh một mất một còn.

Những gương mặt ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy và không khí náo nức ấy đã tạo nên nguồn cảm xúc dào dạt, rất mạnh ập vào tôi, bật thành những nốt nhạc. Thế nên âm điệu giục giã, rộn ràng của phần nhạc dạo trong bài hát nghe như lời hiệu triệu của Tổ quốc. Chưa bao giờ tôi viết một bài nhạc nhanh như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi viết nhạc trước, lời sau”. Bản nhạc mộc bước đầu của Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ đã thành hình như thế.

Bài hát khi mới ra đời có tới ba lời. Lời 1 thể hiện niềm tự hào hết sức vĩ đại của thanh niên vì lá cờ Đoàn được mang hình ảnh Bác, thanh niên phải làm sao xứng đáng. Lời 2 nói về vai trò của thanh niên cùng cả dân tộc trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời 3 là lời giục giã, khẳng định bước đi của thanh niên tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Ba ngày sau bài hát thành hình hài trọn vẹn cả nhạc và lời.

“Tôi cứ lấn cấn mãi phần điệp khúc của lời 1: “Là công sức ta xây nên phố phường thôn xóm thêm xanh tươi/ thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Tại sao chỉ là phố phường, thôn xóm? Biển khơi đâu? Rừng núi đâu? Vai trò của thanh niên đâu chỉ dừng lại ở phố phường, thôn xóm, tầm vóc hẳn phải lớn lao hơn” - nhạc sĩ Triều Dâng kể. Chưa hài lòng với hình hài của “đứa con tinh thần” này, nhạc sĩ Triều Dâng nhẫn nại chờ đến lúc thích hợp. Cả bài hát khựng lại chỉ vì chỗ lấn cấn ấy từ năm 1969.

Tám năm sau (năm 1977), khi đang là biên tập viên của Đài truyền hình TP.HCM, một buổi sáng chạy ngang qua dinh Thống Nhất, hình ảnh các má chạy theo vẫy tay tiễn đưa những đứa con trên chuyến xe đi xây dựng kinh tế đã để lại những phút giây chín muồi cho cảm xúc của nhạc sĩ. “Tôi chú ý đến một bà má, miệng nửa khóc nửa cười rất đặc biệt. Nhờ bà má đó tôi mới dứt khỏi được chỗ lấn cấn theo tôi dai dẳng suốt tám năm” - nhạc sĩ Triều Dâng kể.

Và những từ “phố phường, thôn xóm...” trong lời hát tám năm trước đã được chỉnh sửa thành “Là công sức ta xây nên đất trời Tổ quốc thêm xanh tươi/ thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Một tuần sau, nhạc sĩ Triều Dâng phối khí và mời hai ca sĩ đến tập ca khúc. Và Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ khi được Việt Thắng và Nguyên Hồ - hai người đầu tiên hát trên sóng truyền hình trong chương trình giới thiệu ca khúc mới hằng tháng (tháng 3-1977) - đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả.

Nhạc sĩ Triều Dâng không giấu được niềm tự hào rất đỗi bình dị của mình: “Nhiều lá thư gửi đến yêu cầu đài phát lại bài hát, nhưng hồi đó đài chưa có tiết mục phát lại ca khúc theo yêu cầu của khán giả”.

Họ là tinh hoa của đất nước

Nhạc sĩ Triều Dâng tên thật là Lương Văn Côn, người huyện Ô Môn (tỉnh Hậu Giang). “Khi mới 6, 7 tuổi, tôi hay nghe các anh hát bài Tiếng gọi sinh viên, Tuổi trẻ mùa xuân... Hồi đó thiệt tình tôi chưa biết cách mạng là gì. Nhưng nghe những bài này mình cứ thấy phơi phới, rạo rực, thôi thúc” - ông kể lại. Lớn lên một chút, cậu bé Côn làm liên lạc viên cho liên trung đoàn 122/124 Tây Đô. Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, chàng trai Hậu Giang mới được học hai khóa đào tạo về âm nhạc tại Trường trung cấp Âm nhạc VN.

Từ đó làng âm nhạc thời chiến chinh VN đã xuất hiện một tên mới: nhạc sĩ Triều Dâng với nhiều ca khúc gắn với thanh niên: lòng yêu nước, lý tưởng, sự dấn thân quyết liệt nơi tiền tuyến như Hà Nội gọi ta, Không quân ta đi, Giải phóng quân ta ra đi (viết chung với nhạc sĩ Văn Dung).

Hỏi tại sao lại viết nhiều ca khúc về thanh niên như thế, ông bảo: “Tuổi trẻ VN là tinh hoa của đất nước. Họ đã làm được rất nhiều kỳ tích, có sức bật dữ dội, làm non sông đất nước rạng rỡ. Họ dám xả thân, hi sinh xương máu, tính mạng của mình cho vận mệnh của Tổ quốc. Không chỉ người ra trận mà ngay cả những người con gái VN cũng rất vĩ đại. Tiễn đưa người yêu đi vào cuộc chiến khốc liệt, các cô các chị không khóc, không cười. Nhưng sâu trong đáy mắt là sự chịu đựng, hi sinh dành cho một điều lớn lao hơn là Tổ quốc.

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc chia ly, những mùa tuyển quân. Thế nên những hình ảnh, vẻ đẹp từ trí tuệ, sức trẻ, sự hi sinh của một lớp người phơi phới tuổi xuân cứ ngấm dần, thấm dần nên khi viết ra là trôi chảy, mạch lạc...”.

Chia tay, người nhạc sĩ già khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục viết nhiều bài hát nữa về thanh niên. Không biết có được như bài Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ hay không nhưng tôi vẫn sẽ viết”.

Về Đầu Trang Go down
 
Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, nhạc và lời : Triều Dâng
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Thanh Niên Phường 2 Quận 8 :: TIN TỨC HOẠT ĐỘNG :: Góc Kỹ Năng :: Vui Ca - Múa-
Chuyển đến